Nặng lòng với bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay
2023-09-08 15:53:00.0
Đầu những năm 1990, trước sự mai một của văn hóa dân tộc Sán Chay, ông Hầu Thanh Tĩnh, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh(Phú Lương) luôn đau đáu với việc làm sao lưu giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình? Tứ đây, đã thôi thúc ông dành nhiều công sức tìm hiểu, khôi phục và truyền dạy lại điệu Múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ. Từ những chi tiết nhỏ còn lưu lại ở mỗi người lớn tuổi, ở những nghi lễ của đồng bào mình trên những chặng đường ông đi tìm, ghi chép lại mà những điệu Múa Tắc Xinh, Hát Sấng Cọ đã được khôi phục hoàn chỉnh như ngày nay.
Một buổi dạy hát Sấng cọ của ông Hầu Thanh Tĩnh, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh
Đã 20 năm nay, trên ngôi nhà sàn nhỏ của mình ông Hầu Thanh Tĩnh, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương luôn dành thời gian tổ chức các buổi dạy Hát ví – Sấng Cọ, múa Tắc Xình cho con em của xóm Đồng Tâm và xã Tức Tranh.
“Tôi thấy bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng với đời sống của đồng bào. Nó là văn hóa duy nhất có của đồng bào gồm Hát ví Sấng Cọ, rồi Tắc Xình. Tắc Xình từ điệu nhảy đầu tiên rồi chuyển sang thành biểu diễn hằng năm nên rất muốn duy trì, khuấy động phong trào cho toàn yên tâm lao động sản xuất, nó là món ăn tinh thần cho đồng bào nên tôi suy nghĩ muốn làm sao cho khôi phục bằng được”, ông Tĩnh trầm ngâm kể lại.
Theo ông Tĩnh chia sẻ: Năm 1995, khi ông bắt đầu công việc sưu tầm và nghiên cứu để bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay lúc này trong làng chỉ có người cao tuổi biết một vài câu Hát ví, vài nhịp nhảy chỉ được thực hiện trong ngày lễ hội Cầu mùa của xóm.
Ông đã dong duổi nhiều lần tìm lên các xóm có người Sán Chay ở các xã để tìm hiểu. Ông nhớ: Có vài lần lên Yên Lạc hỏi qua nhiều người nhưng tất cả đều không còn nhớ thấy cũng nản. Về nhà vài ngày, nghĩ lại ông tiếp tìm đến các xóm có người Sán Chay của xã Phú Đô. Rất may khi tìm đến hỏi một số người cao tuổi, tìm hiểu, người thì biết vài câu Hát ví, người thì biết đọc chữ nhưng không thể viết dịch ra Tiếng Việt. Còn đối với nhảy Tắc Xình thì chỉ còn nhớ mang máng chứ không thực hiện được. Đây là động lực tiếp sức cho ông. Rồi được mọi người giới thiệu, ông lại tiếp tục tìm đến các xóm của xã Vô Tranh tìm hiểu. Sau hơn 6 năm trời, qua đi nhiều nơi, được mọi người giới thiệu ông đã cóp nhặt được những kiến thức từ những gì còn sót lại trong tiềm thức của mọi người để ghi chép lại rồi về bổ sung cho đội biểu diễn của xóm tập luyện. Đến đầu năm 2022, tại lễ hội Cầu mùa của xóm các tiết mục được ông nghiên cứu, bổ sung, luyện tập chính thức được biểu diễn nhưng chưa được đầy đủ như hiện nay.
Có được thành công ban đầu, ông lại càng say mê tìm hiểu, sưu tầm ghi chép bổ sung hoàn thiện các kiến thức cho mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ của địa phương nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Chay. Đặc biệt là nhảy Tắc Xình được bổ sung hoàn chỉnh gồm các động tác cơ bản: Điệu Thăm đường; Điệu Lập làng; Điệu Bắt quyết; Điệu đánh mài dao; Điệu phát nương, dọn rẫy; Điệu Tra mố; Điệu Hái lượm; Điệu mừng mùa vụ; Điệu chim câu”.
Với sự đam mê của mình ông Hầu Thanh Tĩnh đã truyền lửa cho nhiều thế hệ ở xóm Đồng Tâm nói riêng, xã Tức Tranh nói chung, trong đó có con gái của ông là chị Hầu Thị Tuyết.
“Khi mà còn nhỏ thấy ông dạy cho các anh, các chị sau đấy em cũng thấy rất là hay. Nhịp điều Tắc Xình rất là cuốn hút mà em bắt đầu xem và em cũng theo ông học Tắc Xình. Khi mà em đã thuần thục thì gần như Tắc Xình nó ngấm vào máu rồi. Sau đó được tham gia công tác tại địa phương em tích cực giới thiệu với bạn bè ở khắp mọi miền”, lời chị Tuyết.
Đến nay, hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mà ông Tĩnh là người có công đầu. Được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo bảo tồn nhiều trường học trên địa bàn huyện Phú Lương đưa vào trong chương trình giải dạy cho giáo viên và học sinh.
Cháu Trần Ngọc Bích, lớp 3, Trường Tiểu học Tức Tranh vui vẻ cho biết: Cháu được học Tắc Xình với lại Sấng Cọ. Cháu rất vui”.
“Bây giờ là con biết hát Sấng Cọ, biết gõ Tắc Xình, biết nhảy ạ. Con thấy nó rất thú vị. Con muốn tìm hiểu nhiều hơn về VH của dân tộc mình”, cháu Hầu Mỹ Hằng, lớp 7 Trường Trung học cơ sở xã Tức Tranh chia sẻ.
Ông Tĩnh vệ sinh bảo quản các đồ vật sưu tầm được tại gia đình
Ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình ông Tĩnh còn tích cực sưu tầm các đồ vật sử dụng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Chay địa phương. Đến nay, ông đã sưu tầm được gần 100 đồ vật như: Cối giã gạo, Cày, bừa, dậu, giỏ, đồ đánh bắt cá,… Trong số trên ông đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên 8 đồ vật để trưng bày.
Đồng chí Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương khẳng định: “Nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh là nghệ nhân tiêu biểu trên địa bàn của huyện Phú Lương. Đặc biệt là người có công trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy vũ điệu Tắc Xình. Trong thời gian qua nghệ nhân cũng đã rất tích cực và có công trong quảng bá truyền dạy vũ điệu Tắc Xình”.
Với những nỗ lực đóng góp của mình, ông Hầu Thanh Tĩnh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Thái Nguyên đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vào năm 2015; được Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2017.
Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 – 2016; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tặng Giấy khen là người dân tộc thiểu số tiêu biểu; Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tặng Giấy khen vì đã có thành tích tham gia các hoạt động tại chương trình xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Thái Nguyên; Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên ghi nhận có công hiến tặng 8 đồ vật để lưu giữ và trưng bày, cùng nhiều giấy khen của các cấp, các ngành, địa phương. Năm 2019 ông vinh dự được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng./.
Bài và ảnh: Lê Văn Hùng