Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh

2021-04-14 19:38:00.0

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 83 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích 737,63 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 13 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp ở khu vực chưa thăm dò đánh giá trữ lượng; đã cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng 17 điểm mỏ với tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 28 triệu m3; cấp phép khai thác 11 điểm mỏ, tổng trữ lượng 13.176.700 m3, công suất 1.483.000 m3/năm; diện tích cấp phép 173,25 ha (trong đó, thị xã Phổ Yên 02 mỏ, thành phố Sông Công 01 mỏ, huyện Phú Bình 03 mỏ, huyện Đồng Hỷ 05 mỏ). Ngoài ra, có 07 điểm mỏ (của 06 doanh nghiệp) đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hoạt động khai thác trái phép đất làm vật liệu san lấp ở một số địa phương như: Huyện Đồng Hỷ (xảy ra ở 03 xã); huyện Phú Bình (11 xã), thị xã Phổ Yên (03 xã), thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công... Trước tình trạng này, các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tích cực vào cuộc, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa các hoạt động khai thác trái phép đất làm vật liệu san lấp. Qua các đợt kiểm tra liên ngành, đã phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định, yêu cầu các đối tượng dừng khai thác, lập biên bản bàn giao cho UBND các xã nơi có hoạt động khai thác trái phép xử lý theo thẩm quyền; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác trái phép đất san lấp, trục xuất các đối tượng ra khỏi khu vực khai thác trái phép... Tuy nhiên, vẫn còn những điểm tái diễn nhiều lần sau khi các lực lượng chức năng giải tỏa, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan và gây mất an ninh trật tự, an toàn lao động...

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, các đại biểu đều khẳng định cần tăng cường các giải pháp để quản lý tốt tài nguyên này, đồng thời bày tỏ quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để hoạt động này đi vào nền nếp, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Các đại biểu cũng phân tích những nguyên nhân khiến việc khai thác đất trái phép diễn ra; bên cạnh đó nêu các phương hướng, giải pháp như: Cần sự phối hợp giữa các ngành, địa phương; sự hướng dẫn của cơ quan chức năng; sự vào cuộc quyết liệt của các ngành tài chính, kế hoạch, công an, thanh tra, thuế...

Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc quản lý nguồn tài nguyên cần phải được đặc biệt quan tâm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi khai thác cũng như các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ngay sau hội nghị này, cấp huyện thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh, báo cáo UBND tỉnh về số liệu xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác đất san lấp năm 2020; tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn về trách nhiệm quản lý khai thác đất san lấp; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng xóm về quản lý khai thác đất san lấp. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu đất san lấp của địa phương mình, đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định; báo cáo UBND tỉnh các trường hợp vi phạm về khai thác đất san lấp, trong đó phân loại các trường hợp do người dân, các cơ quan báo chí phát hiện và trường hợp do chính quyền các cấp phát hiện, xử lý. Về phía tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh. Cục Thuế tỉnh báo cáo UBND tỉnh số liệu thu ngân sách về lĩnh vực này trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã lập quy hoạch, thăm dò và cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp theo đúng quy định của pháp luật. Sở Tư pháp hướng dẫn các huyện, thành, thị, các sở, ngành nâng cao nghiệp vụ, thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính các vụ việc. Ngay trong tháng 5, mở lớp tập huấn nghiệp vụ về xử phạt vi phạm hành chính cho các cấp, ngành trong tỉnh. Sở Xây dựng đánh giá nhu cầu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để đề xuất bổ sung các điểm mỏ vào Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác, đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng và lãnh đạo một số sở, ngành chứng kiến các đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện
ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND 09 huyện, thành phố, thị xã đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

 

Xem Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh tại đây.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1541074